T?t Qu?ng Cáo [X]
dang-ky-vbet79
Tắt Quảng Cáo [X]
dang-ky-cali88

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Những nhà cách mạng thời trang

FASHION SWEETHEARTS

Khi các kinh đô thời trang trở lại yên ắng sau tuần lễ hội nhộn nhịp, thì những bàn tán về danh sách đề cử giải thưởng lại bắt đầu được giới chuyên môn và cả những kẻ ngoài cuộc nhỏ to nói đến. 

Dù không rình rang như các giải thưởng điện ảnh hay âm nhạc, song chủ nhân của những bức tượng vàng thời trang sẽ có thể trở thành người dẫn đầu xu hướng mùa mới, có sức ảnh hưởng rộng lớn tại các kinh đô thời trang, và được nhiều nhà mốt săn đón. 

Những cơ hội vàng sau mỗi giải thưởng danh giá là điều dễ thấy, song có lẽ đó không phải là mục tiêu tối thượng của các nhà thiết kế. Cố gắng ghi dấu ấn cá nhân trong ngành công nghiệp hào nhoáng và đầy khốc liệt - Họ, chính là những "cục cưng" của thế giới thời trang.

"Con mắt xanh" của British Fashion Awards 

Ra đời từ năm 1989 ở xứ sở sương mù, British Fashion Awards chính là giải thưởng lâu đời và uy tín nhất trong ngành công nghiệp thời trang. Nhờ danh tiếng của giải thưởng này mà London trở thành một trong “bộ tứ” kinh đô thời trang thế giới. Tháng Hai hàng năm, những gương mặt tên tuổi của làng thời trang thế giới sẽ tập trung ở London để chứng kiến lễ vinh danh các giải thưởng như Nhà thiết kế của năm, Người mẫu của năm, Nhà thiết kế triển vọng,…

NTK Alexander McQueen thường xuyên chinh phục được ban giám khảo của British Fashion Awards qua các năm. Ảnh: BST Thu Đông 2001-02 của Alexander McQueen

Các tín đồ thời trang hẳn không thể nào quên John Galliano và Alexander McQueen – hai nhà thiết kế từng bốn lần liên tiếp đoạt danh hiệu Nhà thiết kế của năm. Lần đầu tiên nhận giải, cả John Galliano lẫn Alexander McQueen đều là những gương mặt rất trẻ và là những “bad boy” thực thụ. Các bộ sưu tập của họ không tuân theo quy chuẩn nào trước đó, thậm chí gây ra nhiều ý kiến trái chiều ngay cả trong giới thời trang. Giải thưởng trao cho họ, khi đó, thực sự là một cú sốc. Nhưng càng về sau, cả hai đều chứng minh mình là những thiên tài có khả năng thay đổi toàn bộ cục diện thời trang, nhờ đó mà uy tín của British Fashion Awards ngày càng được đánh giá cao.

BST John Galliano Thu Đông 1998-99 với tên gọi "Cabaret Sauvage"

BST Hussein Chalayan Thu Đông 2007-08

Những năm gần đây, giải thưởng British Fashion Awards tiếp tục được trao cho những cái tên có tiềm năng tạo nên nhiều đột phá trong ngành thời trang. Đầu thập niên 2000, giải thưởng cao quý nhất thuộc về nhà thiết kế Hussein Chalayan bởi những sáng tạo kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp truyền thống và công nghệ hiện đại. Năm 2004, giải thưởng về tay Phoebe Philo – khi ấy đang là Giám đốc Sáng tạo của Chloé (thú vị thay, người thầy và tiền nhiệm của bà khi đó – Stella McCartney – phải chờ thêm 3 năm mới được nhận giải thưởng này). Vài năm sau, Phoebe đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo tại nhà Céline, mở ra một cuộc cách mạng về ăn mặc cho phụ nữ hiện đại, cũng như đưa Céline từ cái tên ít ai biết trở thành một trong những thương hiệu xa xỉ hàng đầu. Ngoài ra, trên bảng vàng của giải thưởng British Fashion Awards, không thể không nhắc đến huyền thoại punk Vivienne Westwood, Sarah Burton – người phụ nữ đã đưa hãng Alexander McQueen vào một giai đoạn mới sau cái chết bất ngờ của người sáng lập, và Christopher Bailey – người có công giữ vẻ đẹp cổ điển nhưng cũng không kém phần hiện đại cho nhà mốt Burberry.

NTK Phoebe Philo, người có công lớn trong việc xây dựng thương hiệu Céline

Christopher Bailey (phải) là một cái tên được xướng lên trong nhiều kỳ British Fashion Awards

CFDA Fashion Awards  - Oscars của làng thời trang 

Danh giá không kém chính là giải thưởng CFDA Fashion Awards của Hiệp hội Các nhà thiết kế thời trang Mỹ. Tuy ra đời sau British Awards, nhưng giải thưởng này lại được mệnh danh là Oscars của làng thời trang. Danh sách các đề cử được quyết định bởi một hội đồng phê bình gồm hơn 1500 thành viên Hiệp hội. Họ chính là những biên tập viên thời trang, những nhà bán lẻ, nhiếp ảnh gia và stylist – những người trực tiếp làm việc với các nhà thiết kế cũng như quyết định những gì sẽ trở thành xu hướng trong các mùa tiếp theo. Nhà thiết kế đoạt giải sẽ được vinh danh trong một buổi tiệc tại New York với những khách mời nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, không chỉ trong ngành thời trang. Năm 2013, bà Hillary Clinton đã tham dự và trao giải thưởng danh giá nhất mang tên Founder cho nhà thiết kế quá cố Oscar de la Renta.

NTK Oscar de la Renta (phải) nhận giải thưởng danh giá nhất của CFDA Fashion Awards từ bà Hillary Clinton vào năm 2013

Đúng với phong cách tư bản của đất nước cờ hoa, CFDA Fashion Awards không chỉ đánh giá về giá trị nghệ thuật mà còn đặc biệt quan tâm đến khía cạnh thương mại của thời trang – điều mà nhiều giải thưởng khác vẫn thường làm ngơ. Các nhà thiết kế được giải thưởng CFDA đều là những người thành công trong kinh doanh. Calvin Klein đã dựng nên một đế chế tầm cỡ không chỉ có thời trang mà còn lấn sân sang cả mỹ phẩm làm đẹp; Tom Ford hay Marc Jacobs ngoài những bộ sưu tập đình đám được lòng giới phê bình lẫn người hâm mộ, còn được biết đến như hai nhà thiết kế có chiến lược kinh doanh bài bản nhất. Và khi hai chị em Mary-Kate và Ashley Olsen đứng lên bục nhận giải dành cho nhà thiết kế thời trang nữ vào năm 2015 với thương hiệu mới nổi The Rows của mình thì người ta có thể dễ dàng nhận ra tiêu chí của giải thưởng CFDA rõ hơn bao giờ hết.

Cặp song sinh Mary-Kate và Ashley Olsen tại lễ trao giải thưởng CFDA Fashion Awards năm 2014

Hơn thế, CFDA còn hướng đến việc phát triển tương lai của ngành thời trang Mỹ - vốn rất non trẻ nhưng sức ảnh hưởng thì không thể chối cãi. Theo đó, CFDA có những giải thưởng cũng như quỹ hỗ trợ cho các hoạt động thời trang vì cộng đồng như ủng hộ nạn nhân thiên tai hay HIV/AIDS.

Trong kỷ nguyên công nghệ khi sự thành công dường như được đo bằng số lượt thích trên các mạng xã hội thì sự tồn tại của những giải thưởng thời trang mang tính hàn lâm là điều vô cùng cần thiết. Chúng như một lời nhắc nhở rằng, dù sao, thời trang vẫn là một môn nghệ thuật đặc biệt – và những người làm thời trang cần phải giữ được tính đặc trưng này. 

NTK Sarah Burton - người kế nhiệm của Alexander McQueen - vẫn tiếp tục gặt hái được những thành công tại British Fashion Awards

Thực hiện: Trí Võ

Let's block ads! (Why?)



0 nhận xét:

Đăng nhận xét