Theo Cổng thông tin Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quan điểm với Bộ Tư pháp: "Đối với những vấn đề qua rà soát khẳng định có sai sót, mà nếu không sửa (sẽ) không thể thi hành được thì cần kiên quyết sửa".
Sáng nay, 1/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã thảo luận các nội dung liên quan đến công tác xây dựng thể chế, pháp luật trong chương trình làm việc của phiên họp thường kỳ tháng 8. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - đơn vị trực tiếp soạn thảo dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 đã trình bày tờ trình về dự án này.
Đa số ý kiến thành viên Chính phủ đề nghị bỏ điều 292. Ảnh: VGP |
Một trong những quy định thu hút nhiều ý kiến nhất chính là nội dung sửa đổi, bổ sung điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo bản tin VTV lúc 12h trưa nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các Bộ, bao gồm cả Bộ Công an và Bộ TT&TT... đều có chung quan điểm là bỏ Điều 292.
Cụ thể, theo lý giải của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, việc quy định tội danh này ảnh hưởng đến cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Mạng máy tính và viễn thông là công cụ kinh doanh của đa số doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực. Theo quy định thì phần lớn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng internet và do có tương tác giữa những người sử dụng với nhau nên được coi là mạng xã hội. Với điều kiện như hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp khó đáp ứng được điều kiện kinh doanh mạng xã hội mà trong quá trình khởi nghiệp thì phải thử nghiệm để hoàn thiện mô hình kinh doanh và nếu thử nghiệm thành công với lợi nhuận trên 50 triệu đồng hay có doanh thu trên 500 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như quy định tại Điều 292 là không hợp lý.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 với tinh thần thận trọng, đặt chất lượng lên hàng đầu. "Đối với những vấn đề qua rà soát khẳng định có sai sót, mà nếu không sửa không thể thi hành được thì cần kiên quyết sửa", Thủ tướng nêu rõ. Ban Soạn thảo phải tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và phải bảo đảm sự thống nhất cao đối với những vấn đề lớn, đặc biệt là phạm vi sửa đổi.
BLHS năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tổ chức vào tháng 11/2015, đã được công bố và thời điểm bộ luật này có hiệu lực là từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, vào ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ra Nghị quyết 144 về việc lùi hiệu lực của Bộ luật Hình sự năm 2015 và 3 đạo luật liên quan. Quốc hội cũng đã quyết nghị bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và dự kiến trình Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ hai diễn ra vào tháng 10 tới.
Thời gian qua, dư luận và đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp, CNTT đã "dậy sóng" vì điều 292. Hầu hết đều lo sợ điều luật này nếu áp dụng trong thực tế sẽ hình sự hóa và đe dọa các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ nhỏ, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hơn nữa, BLHS đã bỏ tội danh kinh doanh trái phép nhưng Điều 292 lại quy định tội “kinh doanh trái phép trên mạng”. Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng Điều 292 chỉ quy định xử lý hình sự đối với một số ngành nghề trong số đó. Thêm vào đó, cũng những lĩnh vực kinh doanh nêu tại Điều 292 nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Đây là một sự bất bình đẳng. Các hiệp hội lớn như Vinasa, VCCI đều đã kiến nghị bỏ điều 292 ra khỏi BLHS 2015.
Tuy nhiên, đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì xây dựng dự án này đã đăng tải dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử của mình để lấy ý kiến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trước khi trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8. Trong dự thảo này vẫn giữ điều 292, dù Bộ này xác nhận, đây là một trong 4 vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau và cần phải xin ý kiến Chính phủ.
T.C
0 nhận xét:
Đăng nhận xét