- Người ta luôn cho mình quyền được đi trước, bấm còi, hối thúc... - Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng CSGT Hà Nội nhận xét.
XEM CLIP:
Giao thông Hà Nội hiện nay đang ở trong tình trạng rất đáng báo động, vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính?
Vào thời gian cuối năm, hoạt động sơ, tổng kết của các bộ, ban, ngành cũng như việc thông thương, mua bán của người dân đã dẫn đến tình trạng quá tải và tạo nên sự phức tạp của giao thông Hà Nội.
Bên cạnh đó, có thể thấy lưu lượng phương tiện cá nhân trên địa bàn gia tăng rất lớn, trung bình mỗi năm tăng 6,1% so với năm trước. Đó là chưa kể lượng phương tiện giao thông của người ngoại tỉnh, HSSV, dẫn đến sự quá tải khi quỹ đất dành cho giao thông còn chưa đáp ứng được, tỷ lệ mới đạt 8,65%.
Trong khi hệ thống các phương tiện giao thông công cộng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Hầu hết là các điểm giao cắt đồng mức nên chỉ cần một hành vi vi phạm của một cá nhân một vài phương tiện cũng dễ dẫn tới sự xung đột.
Hay một vấn đề quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông, một số bộ phận chưa tuân thủ tuyệt đối quy định về luật giao thông đường bộ
Chúng ta thường nói rất nhiều đến văn hóa của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, tuy nhiên có một thực tế là chính những người này khi đi ra nước ngoài hoặc vào TP.HCM thì lại tuân thủ giao thông nghiêm túc. Vậy phải chăng là do cách phân làn, tổ chức giao thông chưa phù hợp và luật chưa nghiêm?
Trước hết, đánh giá nhìn nhận thẳng vào thực tế là một số nút giao thông trên địa bàn Hà Nội chưa thực sự khoa học và hợp lý.
Tuy nhiên, tôi vẫn thấy điều quan trọng nhất chính là ý thức của người điều khiển phương tiện. Họ luôn cho mình cái quyền được đi trước mà bấm còi, hối thúc phương tiện trước.
Ai cũng muốn len lên trước. Ảnh: Trần Thường |
Khi vắng bóng lực lượng chức năng còn có tình trạng đi lấn làn, không chấp hành đèn tín hiệu, hoặc dừng đỗ sai quy định, dẫn đến tình trạng giao thông chưa đi vào trật tự.
Ngoài việc di chuyển các cơ quan bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô, có cần thêm giải pháp nào?
Trước hết tôi vẫn muốn nhấn mạnh đó là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Các ban ngành vào cuộc để những người tham gia giao thông tự giác chấp hành, nâng cao văn hóa nhường nhịn, văn hóa xếp hàng.
Thứ hai là trong việc phân bổ mật độ dân cư phải tính toán số lượng người trong các tòa nhà cao tầng, các khu chung cư mới xây nên có sự sắp xếp bố trí khoa học các nút giao thông, các tuyến đường.
Các phương tiện cá nhân ở HN hàng năm tăng trung bình 6,1% năm. Ảnh: Trần Thường |
Thứ ba là thực hiện lộ trình trong việc giảm thiểu các phương tiện giao thông cá nhân. Đẩy mạnh năng lực khai thác của các phương tiện công cộng.
Và một trong những biện pháp đồng bộ đó là nâng cao, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền từ gia đình, trường học. Ngoài ra, việc nâng cao chế tài xử phạt đối với các phương tiện vi phạm có thể tác động trực tiếp đến ý thức của người dân. Đặc biệt nói rõ vào các nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông cũng là cách tác động trực tiếp đến người giao thông, để họ tự ý thức.
Sở GTVT Hà Nội có đề xuất cấm các phương tiện xe máy vào nội đô trong 5 năm tới, vậy theo ông đây có phải là một trong những giải pháp để giảm ùn tắc?
Mục tiêu là hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên những tuyến đường với điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng và đang bị quá tải. Một số tuyến phố bây giờ đang quá tải 6 - 10 lần so với thiết kế thì việc tìm giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân hoạt động là cần thiết.
Tuy nhiên, để việc cấm một loại phương tiện nào đó tham gia thì phải bố trí được các phương tiện khác thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thấy được lợi ích trong việc sử dụng phương tiện công cộng thì đương nhiên các phương tiện cá nhân sẽ giảm.
Mời bạn chia sẻ những câu chuyện, ngẫm nghĩ về giao thông Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hiến kế, gợi ý để có thể cải thiện giao thông Hà Nội tốt hơn. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải. |
Bảo Anh - Huy Phúc - Xuân Quý - Phạm Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét