Với tư cách là một người trẻ đang đứng lớp, tôi xin đóng góp ý kiến của mình về điều mà mọi người đang coi là vấn nạn – dạy thêm.
“Tôi xin trả lời rằng…”
Chèn ép học sinh để dạy thêm?
Tiêu cực ngành nghề nào cũng có, không thể đánh đồng tất cả giáo viên về cùng một mối rồi giải quyết.
Thực sự có tình trạng giáo viên gây sức ép ở bài kiểm tra để buộc học sinh lớp mình dạy phải đi học thêm. Tôi từng là một học sinh gặp trường hợp như vậy, nên tôi hiểu tâm trạng của phụ huynh có con em trong hoàn cảnh đó.
Nhưng 15 năm trước, tôi còn biết nhờ giáo viên chủ nhiệm ra mặt, nay còn có hộp thư góp ý ở các trường, là phụ huynh sao anh chị không hướng dẫn con em mình góp ý, hay anh chị cũng có thể gặp mặt ban giám hiệu để góp ý mà?
Ảnh Đinh Quang Tuấn |
Giáo viên trong trường sao không dạy tốt như các nước phát triển?
Tôi cảm thấy cần phải xác định rõ nước nào, thành phố nào, chương trình nào?
Bạn không thể không nêu cụ thể rồi đánh giá chúng tôi không hết lòng trên bục giảng, không bằng người khác. Cuốn sách mà ngày trước tôi học và cuốn sách hiện nay tôi dạy khác nhau từ bìa bao đến nội dung bên trong.
Đưa vào luật, ai vi phạm sẽ bị truy tố?
Tôi không rành về luật nhưng thiết nghĩ không có bộ luật nào lại cấm người ta làm thêm bằng đôi bàn tay, sức lực, thời gian của mình.
Tôi đánh đổi để mong nhận được một phần tiền nào đó. Bạn cũng có thể đi làm thêm với chuyên ngành của mình mà.
Giáo viên giàu lắm!
Tôi không thể kiếm hơn 6 - 7 triệu đồng từ việc dạy thêm hằng tháng. Tôi biết, bạn biết, nhiều người biết có giáo viên kiếm được hơn 20 triệu đồng mỗi tháng từ việc dạy thêm, thậm chí còn mua được nhà. Bạn có nghĩ là tôi ganh tị?
Thưa không! Để làm được như vậy, những giáo viên đó phải là giáo viên trường “điểm” hay có tiếng và phải là người có nhiều năm kinh nghiệm, có khả năng đúc kết kiến thức, thậm chí soạn được cả một chương trình bài tập riêng để giảng dạy.
Tôi không dám phân bì, bởi ngay từ đầu vào sư phạm, điểm số giữa các khoa có một sự chênh lệch không nhỏ. Thậm chí, giữa bạn bè cùng khoá, tôi cũng không dám phân bì.
Giáo viên sướng lắm, được nghỉ hai tháng hè!
Do đặc thù công việc thôi bạn. Nếu nhà trường, công đoàn ngành, hay Sở Giáo dục có phân công công việc hay yêu cầu học tập trong hè, chúng tôi nhất định sẽ đi.
Tôi đứng lớp không lâu, chưa từng nghỉ ngày nào. Bạn tôi làm nghề khác, cảm thấy tôi thua thiệt khi không sử dụng ngày phép của mình.
Bản thân tôi cũng không biết mình có ngày phép trong năm không, vì tôi nghĩ mình đã có hai tháng hè. Những khi bị bệnh cũng cố vào trường, cho dù đồng nghiệp trong khối có mở lời hứa là dạy hộ. Nhưng bạn à, tôi và nhiều người có quan niệm là con ai nấy lo, hơn nữa đồng nghiệp còn có lớp của họ, chưa kể cần chấm bài, sửa bài cho học sinh (tôi nói với tư cách trường không có giáo viên dự khuyết).
Cảm thấy lương thấp thì chọn nghề khác đi!
Tôi không hiểu tại sao các bạn có thể nói như vậy mà không lập luận gì thêm. Cách nói thế thật sự rất xúc phạm. Nghiệp chọn mình chứ mình đâu được chọn… Hơn nữa, giữa thời buổi này, theo chuyên ngành, không phải muốn tìm việc khác là dễ dàng gì.
Công nhân còn có thể đình công để đòi tăng lương, giảm giờ làm. Giáo viên cũng có thể nhưng chẳng ai làm đâu, tôi cũng chẳng làm. Tại sao ư? Đã nhiều năm nay rồi, chúng tôi đợi việc tăng lương để đủ trang trải cuộc sống mãi không được, rồi thì chúng tôi đã đi dạy thêm.
Trong những lúc đau yếu bệnh tật, hay chẳng may tứ thân phụ mẫu có mệnh hệ gì, thì chỉ nội bộ cơ sở hoặc của công đoàn quận giúp đỡ. Chúng tôi đã quen vấn đề nương tựa nhau…
Cứ tính thuế giáo viên dạy thêm
Chưa bao giờ giáo viên được đem lên bàn cân nhiều như năm nay. Ngày hôm nay, cả xã hội xem giáo viên như cái giẻ rách, ai có chân thì xin chùi… Một nguyên nhân không thể chối bỏ là một bộ phận giáo viên đã đì học sinh để buộc em ấy học thêm.
Nên nay có vấn đề cấm dạy thêm kịch liệt! Trong lúc chờ lộ trình hợp lý thì việc cấm ngay tức thì sẽ có vài vấn đề lớn cần giải quyết. Đó là, thứ nhất, chương trình nặng, ai cũng biết, nên có chuyện giảm tải rồi Thông tư 30 như ở tiểu học… Có quá nhiều sự thay đổi trong năm học mới.
Thứ hai, việc dạy thêm tại trường và cho thuê trường, vốn là một nguồn thu cho trường hoạt động, nay sẽ hụt đi, người bị ảnh hưởng nhiều hơn cả là những giáo viên dạy các môn không thể dạy thêm.
Thứ ba, dạy thêm ở nhà không quản lí nổi. Liệu dạy ở trung tâm có quản lí tốt được không?
Đến thời điểm này, vẫn không thấy danh sách nào về những trung tâm đạt chuẩn ở các quận để học sinh có thể đến học. Và cũng cần có giấy giới thiệu đến dạy cho giáo viên (tôi không nghĩ cứ đến xin mà có việc ngay được). Vì nhu cầu học thêm và dạy thêm là có thật… Nếu cấm đường này, phải mở một đường khác, bởi nếu nhìn đời chỉ thấy một bức tường, bạn cảm thấy sao?
Những giải pháp mà tôi xin đề nghị, trước hết là việc quản lí dạy thêm nên tập trung tại trường. Như vậy, phụ huynh có nhu cầu dễ theo dõi, đưa đón,
Giáo viên có cơ hội làm thêm. Nếu bạn nghĩ giáo viên, ai ai cũng kiếm được nhiều tiền thì có thể tính thuế từ đây. Giáo viên có thể không trực tiếp thu tiền, mà thông qua thu ngân.
Nhà trường có thêm thu nhập.
Ban giám hiệu dễ dàng quản lí. Chứ như dạy ngoài trường, hiệu trưởng khó quản, mà còn phải chịu trách nhiệm thì thật… Giáo viên có o ép, có sai quấy thì hiệu trưởng cũng dễ biết và xử lí.
Giáo viên cũng có thể dạy ở nhà riêng nhưng không thu trực tiếp, cũng thông qua thu ngân để tính thuế. Chứ không thì lại có người nghĩ giáo viên nào cũng giàu lắm…
Tôi chỉ mong các cấp quản lí suy nghĩ thêm, nên chăng đợi lộ trình rõ ràng và sách giáo khoa mới, tăng lương cho giáo viên rồi hãy cấm. Chứ ngay lúc này mà cấm chỉ khiến giáo viên đi dạy chui… Vì cuộc sống, cực chẳng đã mà phải làm thế.
Nước còn quyến cát làm doi,
Huống chi ta chẳng tài bồi lấy nhau.
Có phải không ạ?
Văn Đức (giáo viên tiểu học tại TP.HCM)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét