"Hiện nay, có một thực tế là có những cán bộ không trực tiếp nhận hối lộ, nhận “chạy chức, chạy quyền”, nhưng có thể vợ, con của họ lại nhận quà cáp, tiền bạc đút lót", ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết.
Trong Di chúc để lại cho đồng bào cả nước trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Lời căn dặn của Bác trong Di chúc đến nay vẫn nóng bỏng tính thời sự, khi Đảng, Nhà nước đang quyết liệt chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, chấn chỉnh công tác cán bộ.
Với thâm niên 22 năm làm công tác tổ chức cán bộ, ông đánh giá thế nào về công tác cán bộ trước kia và hiện nay?
Ông Lê Quang Thưởng: Các cụ dạy, “nước đục từ đầu nguồn”, “nhà dột từ nóc”. Đầu nguồn và nóc ở đây chính là những người giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Nếu cán bộ tìm mọi cách đưa con cái, anh em, họ hàng thân thích vào bộ máy chính quyền các cấp mà không xét đến năng lực, đạo đức thì nhân dân sẽ mất niềm tin.
Tôi nói thật, cán bộ lãnh đạo nào liêm chính, chí công vô tư, người dân biết hết. Chúng ta thấy nhiều tấm gương liêm khiết, sáng ngời như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Các bậc tiền bối “khai quốc công thần” không thấy có chuyện đưa người thân vào bộ máy Đảng, Nhà nước, thậm chí con cái của nhiều người vẫn phải đi bộ đội hoặc làm công tác bình thường như con cái của những người dân thường khác và sau khi xuất ngũ cũng làm việc như những người dân bình thường khác.
Chỉ có một số ít người là con cán bộ cấp cao trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, làm cán bộ cấp cao, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, nhưng đó là do bản thân nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, chứ không phải nhờ thân thế gia đình.
Và thực tế đã chứng minh, con cái các lãnh đạo cao cấp, khi tiếp nối truyền thống gia đình đã và đang cống hiến hết mình cho xã hội.
Nếu các vị lãnh đạo, dù là ở Trung ương hay địa phương khuất tất trong việc đề bạt cán bộ thì cấp dưới cũng sẽ làm theo, thậm chí còn “thừa nước đục thả câu” và sẽ có cả một hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở toàn con cháu, anh em, chiến hữu, “đệ tử” của lãnh đạo. Bộ máy này sẽ đẻ ra các nhóm lợi ích, nhũng nhiễu, nhiêu khê, tham ô, tham nhũng, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Những bê bối liên quan đến một số bộ, ngành mà dư luận lên tiếng trong thời gian gần đây phải chăng là do một số cán bộ chưa gương mẫu, chưa công tâm trong việc xem xét cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ, thưa ông?
Tôi nghĩ, nếu lãnh đạo cấp bộ và địa phương mà liêm chính, trong sạch thì sẽ không để lọt những kẻ cơ hội, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước; không để xảy ra những trường hợp cán bộ yếu kém qua hết “cửa ải” này đến “cửa ải” khác; không để xảy ra những vụ khuất tất trong bổ nhiệm, thi tuyển, điều động cán bộ, công chức trong các vụ, cục, đơn vị tại các bộ, ngành, địa phương.
Người dân đang chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm những chuyện khuất tất trong bổ nhiệm cán bộ mà báo chí và dư luận xã hội vừa qua đã lên tiếng, thể hiện quyết tâm xây dựng bộ máy trong sạch, liêm chính, phục vụ.
Thời ông làm ở Ban Tổ chức Trung ương có tình trạng bổ nhiệm con ông, cháu cha vào các vị trí “báu bở” không? Có tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tuổi”, “chạy luân chuyển” hay không?
Ở thời nào, xã hội nào thì cũng có chuyện tiêu cực ở mức này, mức khác. Khi người lãnh đạo thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” thì sẽ hành xử, làm việc liêm khiết, công tâm.
Tôi về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương năm 1982, được nghe câu chuyện anh em kể lại rằng, khi biết tin con hai vị lãnh đạo cao cấp ở địa phương được đi làm việc ở tàu viễn dương, có thể kiếm được nhiều tiền, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khi đó là đồng chí Lê Đức Thọ yêu cầu “đưa các cháu lên bờ” để gìn giữ uy tín và lòng tin của dân.
Không chỉ yêu cầu miệng, một thời gian sau, đồng chí Lê Đức Thọ cho kiểm tra lại xem yêu cầu của mình đã được thực hiện chưa. Làm cấp dưới, giúp việc cho đồng chí Lê Đức Thọ cũng như nhiều bậc lão thành liêm khiết, chí công vô tư như vậy thì không ai dám chạy và nhận chạy chức, chạy quyền.
Còn bây giờ chạy chức, chạy quyền vô cùng tinh vi. Có thể người ta biết người nọ, người kia đi xa, tiến nhanh trên con đường quan lộ là do chạy chọt, nhưng không tìm được kẽ hở nào, vì họ làm “đúng quy trình”, thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, bằng cấp đủ cả.
Tình trạng chạy chức, chạy quyền nhiều tới mức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không ít lần phải nhắc tới việc này. Mới đây, Ban Bí thư đã phải ban hành kết luận về việc xác định tuổi của đảng viên theo nguyên tắc, kể từ ngày 18/8/2016, các cơ quan, cấp ủy đảng không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên, tránh tình trạng “chạy tuổi”.
Vì sao cán bộ phải “chạy tuổi”, vì họ đang đương chức, đương quyền, nhưng sắp nghỉ hưu, hay họ đã hết tuổi quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm lên vị trí cao hơn nên phải “chạy” để cho còn tuổi quy hoạch, bổ nhiệm.
Là người giữ trọng trách trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ, đã bao giờ vì nể nang hay lý do nào đó mà ông “nâng đỡ” ai chưa?
Anh em, bạn bè và cả những người mà tôi đã có tiếng nói quan trọng trong việc quy hoạch, bổ nhiệm, điều động đến nhà tôi chơi cũng chỉ biếu vài món quà vặt như lạng chè, chai rượu gọi là quà quê, chứ tuyệt đối không có chuyện đút lót, tuyệt đối không có chuyện “chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển” như bây giờ.
Ngay cả những người mà tôi đã từng có mối quan hệ thân tình thời công tác ở Trung ương Cục miền Nam như Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm… và nhiều người đã từng một thời sống chết cùng nhau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ hy sinh sau này khi đã thành danh, có địa vị trong xã hội đều do sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu của bản thân, chứ tôi tuyệt đối không nâng đỡ ai.
Ông thử nhớ lại xem đã từng có ai đến ông để “chạy” chưa?
Có một trường hợp duy nhất, đó là một cán bộ ở cơ quan cấp bộ được quy hoạch lên cấp thứ trưởng. Tôi thấy vị này có trình độ, năng lực, xứng đáng được đề bạt lên thứ trưởng. Mấy ngày sau, thông qua một người quen, vị này đến nhà tôi chơi và biếu gói quà. Khi khách về, tôi mở quà ra thấy có một cái phong bì rất dày, tôi gọi người đem trả lại. Và tất nhiên, vị này cũng bị loại ra khỏi quy hoạch thứ trưởng.
Hiện nay, có một thực tế là có những cán bộ không trực tiếp nhận hối lộ, nhận “chạy chức, chạy quyền”, nhưng có thể vợ, con của họ lại nhận quà cáp, tiền bạc đút lót. “Há miệng mắc quai” nên các vị ấy nâng đỡ, giúp sức để những người “đi cửa hậu” thăng quan, tiến chức. Ai cũng biết rằng, người nào đó “chạy chức, chạy quyền” đều tham vọng quyền lực, vì quyền lợi của bản thân và phe nhóm.
Từ trải nghiệm của mình, tôi thấy, trong các nghề thì “nghề” tổ chức cán bộ là khó nhất. Người làm tổ chức cán bộ không chỉ phải có cái tâm trong sáng, liêm khiết mà vợ, con, người thân, gia đình cũng phải liêm khiết, tuyệt đối không được nhận quà cáp, tiền bạc của những người đến cậy nhờ hòng thăng quan, tiến chức. Nếu anh liêm khiết mà vợ con, người thân trong gia đình nhận tiền bạc, vật chất của người khác thì anh cũng khó có thể xem xét, đánh giá, cất nhắc cán bộ một cách công tâm.
Mạnh Bôn/Báo Đầu Tư
Tuần Việt Nam đặt lại tiêu đề.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét