Dạy trẻ cách nói “làm ơn” và “cảm ơn” mới chỉ là những thứ cơ bản nhất. Cha mẹ đừng quên dạy trẻ 10 cách ứng xử quan trọng và thiết thực dưới đây.
1. Đứng dậy để bày tỏ sự tôn trọng
Ngày xưa, đàn ông luôn đứng lên khi một người phụ nữ rời khỏi bàn, nhưng xã hội hiện đại của chúng ta thì ngày càng ít thể hiện điều đó hơn, tuy nhiên đây vẫn là một cử chỉ đẹp.
Để dạy trẻ cử chỉ này, hãy dùng kỹ nghệ khen ngợi kịp thời khi trẻ làm điều đó.
2. Nhận biết được không gian của người khác ở nơi công cộng
Ví dụ khi một đám đông đi trên vỉa hè, bạn nên dạt sang phía vạt cỏ. “Bọn trẻ cần nhận biết được ai đang ở cạnh mình. Khi bạn đang đi trên vỉa hè hay trong trung tâm thương mại, và ai đó tiến về phía bạn, bạn nên di chuyển sang bên phải để nhường không gian cho họ”.
Để dạy trẻ cách nhận biết không gian của người khác ở nơi công cộng, cha mẹ hãy làm gương. “Hãy cho thấy cách bạn di chuyển khi ai đó tiến về phía bạn, hay cách bạn ngồi vào ghế giữa trong khán phòng mà không làm phiền mọi người hay giẫm lên chân người khác”.
3. Kính trọng người lớn tuổi
Kinh nghiệm mang lại sự khôn ngoan, và sự khôn ngoan nên được tôn trọng.
“Trẻ con nên thể hiện sự tôn trọng với cha mẹ, ông bà, giáo viên... Một trong những việc mà chúng ta luôn làm trong những cuộc tụ họp gia đình là đề nghị được lấy thức ăn cho ông bà trước trong tiệc buffet. Đó là cách thể hiện sự tôn kính với người già. Trẻ con không nên được ưu tiên khi xếp hàng ăn buffet vì chúng đang đói”.
4. Để ý người ra vào nhà
Bạn có thấy xấu hổ không khi có khách tới thăm nhưng con bạn hiếm khi ra chào hỏi hay quan tâm tới họ.
“Trẻ nên chào đón khách tới nhà. Có thể là bắt tay, ôm, sau đó quay lại chơi nếu đó là cuộc gặp giữa người lớn. Đó là cách để trẻ tập trung vào người đó, chứ không phải tập trung vào bản thân. Nếu con bạn nhút nhát, bạn có thể giúp trẻ mời khách món gì đó để trẻ quên đi sự nhút nhát của mình khi khách đến” – Eberly nói.
5. Học nhớ tên mọi người
Đã bao nhiêu lần con khoe với bạn là có bạn mới ở lớp nhưng khi bạn hỏi tên thì trẻ lại không thể nhớ tên bạn?
Hãy dạy trẻ nhớ tên mọi người, có thể là bằng cách tạo giai điệu cho nó. Bạn cũng nên sử dụng tên mọi người khi có dịp để giúp trẻ ghi nhớ.
6. Trẻ không nên là trung tâm của mọi sự chú ý
Trẻ không nên được nhận quá nhiều sự chú ý. “Là cha mẹ, bạn đừng thu hút sự chú ý liên tục tới con mình và cũng nên đề nghị trẻ cùng làm việc đó. Bạn có thể đưa cho trẻ lời nhắc nhở cái gì là phù hợp, cái gì không”.
7. Thay đổi chủ đề một cách lịch sự
Đôi khi có những người nói những thứ thực sự tẻ nhạt, nhưng việc biết cách xử lý nó một cách lịch sự là một kỹ năng tốt cho trẻ trong cuộc sống.
“Có rất nhiều cách để nghĩ về những cuộc trò chuyện và cách tôn trọng người khác khi trò chuyện”. Trò chuyện giống như chơi tennis. Qủa bóng được đẩy qua đẩy lại. Khi bạn muốn đổi chủ đề, bạn cũng nên dành một chút thời gian để nói về chủ đề mà người đối diện đưa ra, chứ không nên chuyển đột ngột sang câu chuyện của bạn.
8. Không chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào người khác
“Chúng tôi nói rằng bạn không nên đứng quá gần một người khi nói chuyện với họ, nhưng tôi cũng cho rằng trẻ cần nhận biết được cả không gian cảm xúc của người khác. Bạn đừng nhìn chằm chằm vào ai đó. Bạn đừng chỉ tay trừ khi bạn đang chỉ đường. Hãy đề nghị trẻ nghĩ về cảm giác của mình nếu ai đó chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào bạn”.
9. Chu đáo và tử tế với người khuyết tật
Bản chất của trẻ con là tò mò về mọi thứ. Việc nhìn thấy người khuyết tật có thể khiến trẻ nhìn chằm chằm để cố lý giải hoặc đưa ra những câu hỏi có thể khiến họ xấu hổ. Nếu chuyện đó xảy ra, bạn chỉ có thể xin lỗi và ra dấu cho trẻ rằng bạn sẽ nói chuyện với trẻ sau về chuyện đó.
10. Là một vị khách dễ chịu
“Hãy dạy trẻ thích ứng với lịch trình và thói quen của chủ nhà. Nếu họ không dùng bữa trong phòng chung và xem tivi khi ăn, cũng đừng làm lớn chuyện. Trẻ cũng nên được dạy cách bày tỏ sở thích. Trẻ có thể được hỏi “Cháu muốn uống gì?” và trẻ có thể trả lời rằng “Gì cũng được”. Nhưng thực sự sẽ dễ dàng hơn cho chủ nhà nếu khách đưa ra sở thích của mình, “Làm ơn cho cháu nước chanh” chẳng hạn.
- Nguyễn Thảo(Theo Parenting)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét