- "Khi chồng gần 60 tuổi mới đổ đốn ngoại tình, người vợ đau đớn phải ra nghĩa địa sống rồi bị trầm cảm nặng phải nhập viện tâm thần", TS Tô Thanh Phương kể.
Tại khoa Bán cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm trưởng khoa, chia sẻ, mỗi bệnh nhân ở đây có một số phận khác nhau.
Ông Phương cho biết, đa số bệnh nhân đến đây chữa trị đều bị trầm cảm nặng. Một người phụ nữ ngoài 50 từng được điều trị tại bệnh viện là trường hợp khiến ông day dứt nhiều nhất.
Đó là bà T. là giáo viên mầm non ở Phú Xuyên, Hà Nội. Ở cái tuổi vợ chồng hưởng tuổi già thì chồng lại đổ đốn đi ngoại tình. Người phụ nữ mà chồng bà đem lòng thích lại là chỗ quen biết. Họ gặp nhau trong đám cưới một người quen thế rồi phải lòng nhau.
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Internet |
Từ ngày chồng có bồ, bà T. chán nản, lầm lì. Ông phải lòng người khác, về còn đánh đập bà. Buồn chán, bà bỏ ra ngoài sống. Nơi bà sống chính là nghĩa trang chôn cất bố mẹ chồng bà.
Biết tin, các con đã ra tận nơi đón mẹ và nhờ cả công an xã can thiệp nhưng bà nhất định không về mà cứ ôm cột bia mộ khóc, dọa chết nếu không cho ở ngoài nghĩa trang.
Hơn 2 tuần ở nghĩa trang, cơ thể bà T. xanh xao và mệt mỏi. Sau đó bà được con cái đưa vào bệnh viện trong trạng thái trầm cảm nặng. Hàng ngày, bà chỉ khóc và đòi được chết.
Cùng hoàn cảnh của bà T. là bà P. (57 tuổi) trú tại Đống Đa, Hà Nội cũng phải nhập viện tâm thần vì thường xuyên đòi tự tử.
Theo TS Phương, bà P. bị mắc chứng hoang tưởng. Nhiều năm nay, bà về hưu, ở nhà nội trợ trong khi chồng vẫn còn đương chức vì thế người phụ nữ này thường xuyên cảm thấy cô đơn.
Không có người nói chuyện, xáo trộn tâm lý lúc về hưu khiến bà rơi vào trạng thái mất ngủ, thèm nói chuyện.
Bà bắt đầu nghi ngờ chồng có bồ ở bên ngoài. Bà nghĩ ra đủ kiểu ngoại tình của chồng. Ai đến nhà bà cũng kể tội chồng dẫn người tình đi chơi, đi nhà nghỉ…
Càng nghi ngờ, bà P. càng rơi vào trạng thái hoang tưởng, lo lắng. Trước kiểu ghen thái quá của vợ, người chồng ngày càng chán nản, tuyệt vọng. Mâu thuẫn vợ chồng lên đỉnh điểm. Bà P. đã uống thuốc ngủ tự tử.
Sau khi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện, bác sĩ kết luận bà bị mắc chứng rối loạn cảm xúc tâm thần.
Tuy nhiên, bà P. vẫn quả quyết mình không có bệnh gì, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Bà thường xuyên bỏ viện về nhà khiến cho gia đình phải cho bà dùng thuốc ngủ rồi “áp giải” xuống BV Tâm thần Trung ương 1. Họ hi vọng ở xa nhà, bà không thể trốn viện về nhà được.
Những lúc tỉnh táo, bà P. cho biết bà bị mất ngủ, đau đầu và nghe rõ tiếng chồng đang đưa gái về nhà thì thầm với nhau, nói xấu vợ và các con.
Theo TS Phương, bà P. bị chứng hoang tưởng ảo giác. Các loại hoang tưởng ảo giác thường gặp ở bệnh nhân là hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng bị chi phối, hoang tưởng bị kiểm soát, ảo giác chủ yếu là ảo thanh.
“Một tỷ lệ lên đến 93-95% bệnh nhân còn lại gần như mắc bệnh suốt đời, nhưng trong số này nếu bệnh nhân được điều trị tốt thì 60-70% sống gần như bình thường, không ai biết họ có bệnh. Yếu tố để bệnh nhân ổn định tốt nhất là chính người bệnh nhận thức được bệnh của mình”, TS Phương nói.
T.S Phương cũng cho biết, ngoài việc điều trị bằng thuốc, yếu tố gia đình rất quan trọng trong việc chăm sóc, nhắc nhở bệnh nhân tự giác uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn để nhanh ổn định.
H. Thúy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét